Tái thiết Nhật Bản và thu hút FDI tại Việt Nam

Sáng 10/8, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Thời báo Kinh tế Nikkei (Nhật Bản) đồng chủ trì, phối hợp cùng Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức Hội thảo “Kịch bản phục hồi và tái thiết Nhật Bản xu hướng đầu tư ra nước ngoài.

Hội thảo tập trung thảo luận các kịch bản phục hồi và tái thiết Nhật Bản sau khủng hoảng động đất sóng thần, qua đó cung cấp cho các nhà đầu tư các thông tin về kinh tế, cũng như các thay đổi trong chính sách đầu tư ra nước ngoài của Nhật sau thảm họa. Đồng thời đưa ra các khuyến nghị, các định hướng chính sách thu hút đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trong giai đoạn tới.

Tại hội thảo, ông Y.Tanizaki, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho biết sau thảm họa sóng thần và điện nguyên tử Nhật Bản đã nhận được sự ủng hộ vật chất, tinh thần từ 159 quốc gia, vùng lãnh thổ và 43 tổ chức quốc tế… trong đó có Việt Nam là nguồn cổ vũ lớn để Nhật Bản đứng dậy phục hồi kinh tế sau thảm họa. “Hội thảo này chính là sự ủng hộ của Việt Nam đối với nhân dân và Chính phủ Nhật Bản” ông Y.Tanizaki nói.

Tính đến ngày 28/7, thảm họa đã cướp đi sinh mạng của 16.000 người, 5.000 người mất tích, 92.000 người phải đi lánh nạn… thiệt hại về kinh tế là chưa từng có trong lịch sử Nhật Bản.

Để khắc phục hậu quả, tái thiết đất nước, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng đường lối chính sách cơ bản về tái thiết, theo đó từ nay đến 2015 là thời kỳ tập trung tái thiết, với nguồn vốn là 240 tỷ USD. Số vốn trên được huy động từ nguồn vốn ngân sách, giảm các nguồn chi, bán bớt tài sản của Nhà nước, giảm lương công chức và các giải pháp thuế mang tính tạm thời…

“Với kế hoạch trên tôi tin tưởng việc tái thiết, phục hồi sẽ được Chính phủ và nhân dân Nhật Bản thực hiện với một sức mạnh lớn” ông Y.Tanizaki nhấn mạnh.

Về nguồn đầu tư của Nhật Bản, điều tra của Bộ Công nghiệp – Kỹ thuật Nhật Bản, cho thấy 97 doanh nghiệp hoạt động sản xuất hàng đầu của Nhật Bản đang có xu hướng chuyển hoạt động sản xuất sang khu vực châu Á, trong đó Việt Nam là địa điểm được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm. Đây thực sự là cơ hội tiềm năng về cung- cầu trong sản xuất.

Thảo luận tại hội thảo, ông Heido Natio, Trưởng ban tài chính phụ trách đầu tư về năng lượng, nguồn nước và cơ sở hạ tầng (Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản) cho rằng đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam trong năm tài chính 2010, Việt Nam đứng thứ 3 trong trung hạn như một quốc gia tiềm năng về ngoại thương đồng thời đứng thứ 4 như một quốc gia triển vọng về ngoại thương trong 10 năm tới bởi nguồn nhân lực, triển vọng phát triển của thị trường nội địa, trình độ nhân lực và có nền tảng xuất khẩu sang các nước thứ 3.

Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn - Giám đốc Học viện Chính trị Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, để đón nhận đầu tư từ Nhật Bản, Việt Nam cần tiếp tục trao đổi cấp cao làm sâu sắc thêm phương hướng hợp tác trên lĩnh vực lớn; khai thông mạnh mẽ hơn hợp tác cấp địa phương và doanh nghiệp; tăng cường hợp tác giao lưu về con người giữa các trường đại học, viện nghiên cứu.

Về hợp tác kinh tế, cần xác định rõ chiến lược, chính sách và bước đi cụ thể trong các lĩnh vực hợp tác tiềm năng. Cấp Chính phủ nên sớm quyết định lập Diễn đàn Kinh tế Việt Nhật theo đề xuất của Nhật Bản.

GS.TS Tạ Ngọc Tấn cho rằng việc vận động, tranh thủ cộng đồng doanh nghiệp Nhật lúc này là quan trọng, chúng ta  cần tập trung vào 3 khâu đột phá: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Bên cạnh đó thực hiện tốt các Sáng kiến chung Việt Nam- Nhật Bản, thúc đẩy các dự án lớn của Nhật; giải quyết tốt các vướng mắc cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam; vận động đầu tư Nhật Bản theo hình thức mới như hợp tác công tư về cơ sở hạ tầng (PPP).

Tại hội thảo các diễn giả cũng đưa ra các quan điểm về chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và cơ hội cho nhà đầu tư Nhật Bản./.

BuildVietInfo theo vov.vn